Những sai lầm trong pha chế cafe mà các barista mới vào nghề hay mắc phải
Có một số sai lầm trong pha chế cafe mà các barista mới vào nghề thường hay mắc phải. Hãy thử tham khảo bài viết sau và kiểm tra lại xem bạn có đang mắc phải lỗi nào không nhé.
1.Sử dụng cà phê không có độ tươi cao nhất
Bạn nên có kế hoạch sử dụng cà phê hạt nhất định. Hãy dùng lần lượt hết cafe trong một túi rồi hãy khui mới. Tránh trường hợp mở đồng loạt nhiều bao cafe để chứa trong một chiếc hộp với mục đích cho tiện nhưng kỳ thực nó đang là một sai lầm nghiêm trọng.
Cafe hạt chỉ có độ tươi nhất trong khoảng thời gian từ 4-10 ngày nếu được bảo quản đúng cách. Bạn nên bảo quản cafe trong các hộp kín ở chỗ râm mát, tránh ánh nắng trực tiếp và tuyệt đối không bỏ vào tủ lạnh hay những nơi độ ẩm cao.
2.Không sử dụng cân điện tử trong pha chế cafe – coffee scale
96% barista thường đong cafe bằng mắt và đây là điều không nên. Bạn hãy tập cách đong cafe bằng cân điện tử chuyên dụng. Nếu có thể dùng 20gr cafe để pha ra 30ml espresso – thay vì hơn 20gr – thì tức bạn đã tiết kiệm được một lượng bột cafe. Nên nhớ bạn không chỉ pha một tách mà rất nhiều tách. Vì vậy đừng lãng phí.
3.Sử dụng nước cứng hoặc không qua xử lý
Một ly espresso chiếm 98% thành phần là nước, 2% là cà phê. Nhưng rất tiếc, một số ít người thật sự không quan tâm đến vấn đề xử lí nước. Hãy dùng nước tinh khiết hoặc trang bị cho máy pha cafe lọc nước chuyên dụng.
Đừng vô tư sử dụng nước máy rồi lại google cách tẩy cặn máy pha cà phê. Đến lúc ấy, bạn đã làm ra những tách espresso rất tệ. Cứ 3 – 6 tháng hãy kiểm tra nguồn nước bạn sử dụng cũng như vệ sinh máy và các đường ống.
4.Không vệ sinh máy pha cafe, dụng cụ pha chế bằng dung dịch chuyên dụng hay thậm chí bỏ bê hoàn toàn
Đừng để một ngày nào đó mở máy pha cà phê của bạn ra và tá hỏa vì mọi thứ bên trong bẩn đến khủng khiếp. Các cặn bám, vết hoen ố, gỉ sét, mùi ôi chua đọng khắp máy và dụng cụ pha chế.
Nên tập thói quen vệ sinh dụng cụ pha chế bằng dung dịch vệ sinh sau mỗi cuối ngày. Cũng như vệ sinh máy pha cafe, group-head, vòi steam định kỳ. Như thế sẽ kéo dài tuổi thọ máy pha cafe và chất lượng espresso luôn đạt chuẩn.
5.Sử dụng sai loại sữa trong pha chế cafe
Bất cứ một barista nào cũng nắm rõ, sữa dùng thực hiện các thức uống cappuccino hay latte chính là sữa thanh trùng. Đây là loại sữa chứa các phần tử protein cao và điều này sẽ giúp bạn frothing và steaming tốt nhất.
Sử dụng các loại sữa tiệt trùng, sữa đặc chỉ có tác dụng giúp bạn quen dần với kĩ năng đánh sữa – Dùng các nguyên liệu giá thành rẻ hơn để tập luyện là ý hay – nhưng nó không bao giờ giúp bạn làm được tách cappuccino chuẩn Ý.
6.Không kiểm tra nhiệt độ pha chế cafe (brewing temp)
Cần phải kiểm tra nhiệt độ pha chế trước khi thực hiện pha chế espresso. Nhiệt độ pha chế ổn định khi ở 92°C Bước kiểm tra này rất quan trọng nhưng ít ai thực hiện nó, bạn hãy tập thói quen này nhé. Nhiệt độ pha chế ổn định sẽ cho một nhiệt độ chiết xuất ổn định.
Và đó chính là điều kiện cần bên cạnh yếu tố áp suất để bạn làm ra tách espresso hoàn mỹ.
7.Không xả nước group-head trước và sau khi chiết xuất
Chắc chắn các barista mới vào nghề sẽ chưa quen với thao tác này. Nhưng việc xả nước trước khi chiết xuất rất quan trọng và không thể không làm. Thực hiện thao tác này giúp loại bỏ các cặn cafe, giúp espresso luôn trọn vẹn hương vị hơn và nhiệt độ luôn ổn định.
Sau khi chiết xuất hãy xả nước group-head cũng như xả hơi vòi steam và kéo lại vị trí cũ. Cũng như luôn lắp handle vào group-head. Nó thể hiện sự chuyên nghiệp của bạn và giúp loại bỏ các cặn sữa, cafe ứ đọng bên trong.
8.Chiết xuất cà phê không đúng cách
Các barista mới vẫn thường hay mắc lỗi này. Giống như kiểu bạn rất hào hứng với buổi đi săn và giương cung rất nhanh nhưng lại quên mất điều chỉnh phương hướng. Cuối cùng mũi tên đi chệch hàng trăm mét so với mục tiêu.
Chiết xuất cũng thế, hãy chú ý đến độ mịn bột cà phê, thời gian chiết xuất, đồng hồ đo áp suất và nhiệt độ. Khi mọi thứ hoàn hảo, it’s your turn.
9.Sợ thử cái mới
Cà phê đem đến cảm xúc. Pha chế đem đến sự thoải mái. Đừng ngại ngùng. Hãy thật chăm chỉ và sáng tạo. Vì chỉ có sự yêu nghề, yêu cafe mới khiến bạn bước đi trên con đường barista dài lâu mà không mỏi mệt.
Xem thêm:
Áp suất và nhiệt độ trong pha chế cafe